Tin tức

HỘI THẢO KHOA HỌC “NHẬN THỨC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ ĐÔ THỊ THÔNG MINH TẠI VĨNH LONG”

HỘI THẢO KHOA HỌC “NHẬN THỨC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ ĐÔ THỊ THÔNG MINH TẠI VĨNH LONG”

“Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)” và “Đô thị thông minh” là những cụm từ đang xuất hiện nhiều ở các địa phương hay trên các phương tiện truyền thông hiện nay. Có rất nhiều kỳ vọng cho rằng cuộc “cách mạng này”, hay kiểu “đô thị mới mẻ” đó, có thể là các giải pháp nhanh chóng giúp xã hội chúng ta thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Phải chăng xây dựng đô thị thông minh chính là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại tiên tiến. Nhất là khi các ứng dụng này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc xây dựng các đô thị mới – đô thị thông minh. 

Để giải thích câu chuyện trên một cách khoa học và tường minh về các thuật ngữ vừa đề cập, sáng 26/7/2019 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long và Trung tâm kỹ thuật Điện toán – Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc Gia TP.HCM đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Khoa học “Nhận thức cách mạng công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh tại Vĩnh Long”. Hội thảo đã thu hút nhiều bài viết chuyên môn và tham luận trực tiếp của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành và doanh nghiệp công nghệ về xây dựng kế hoạch phát triển năng lực địa phương trong CMCN 4.0 và Đô thị thông minh cho tỉnh Vĩnh Long.

Hình: Hình toàn cảnh Hội thảo “Nhận thức cách mạng công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh tại Vĩnh Long” ngày 26/7/2019 tại Vĩnh Long.
Hình: Hình toàn cảnh Hội thảo “Nhận thức cách mạng công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh tại Vĩnh Long” ngày 26/7/2019 tại Vĩnh Long.

Nhiều bài viết của Hội thảo trong kỷ yếu khoa học khá hay, đi sát thực tiễn trong quản lý nhà nước, quản trị điều hành doanh nghiệp, trong cuộc sống thường nhật của người dân như: giới thiệu tổng quan về công nghiệp 4.0, những thách thức và cơ hội; giải pháp ứng dụng IoT cho nhà máy sản xuất bên tông tươi; truy xuất nguồn gốc nông sản qua công nghệ blockchain, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligent) cho bài toán giám sát giao thông và an ninh công cộng trên địa bàn Vĩnh Long, … Bên cạnh đó là các ứng dụng demo tại triễn lãm của các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ rất ấn tượng như: theo dõi cây trồng và tưới tiêu tự động theo thời gian thực, máy in 3D của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long; giải pháp quản lý phản ánh, góp ý, thông tin tuyên truyền và chỉ đạo điều hành tại địa phương của doanh nghiệp Tin học Đại Phát, ứng dụng IoT trong quản lý trạm bê tông tươi của doanh nghiệp công nghiệp BMES, … Đặc biệt là phần trình diễn khá ấn tượng với đại biểu tham gia tại Hội thảo là giải pháp VLTriS thuộc nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của Trung tâm Kỹ thuật Điện toán trường Đại học Bách Khoa.

Hình: Hình nhóm nghiên cứu về AI của TTKT Điện toán đang demo sản phẩm VLTriS.
Hình: Hình nhóm nghiên cứu về AI của TTKT Điện toán đang demo sản phẩm VLTriS.
Xuất phát từ thực tiễn quản lý trật tự an ninh tại địa bàn Phường 1 thành phố Vĩnh Long. Đầu năm 2019, theo đặt hàng của Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long và UBND Phường 1 thành phố Vĩnh Long, Trung tâm Kỹ thuật Điện toán đã phối hợp với Công an Phường 1 triển khai lắp đặt giải pháp “giám sát an ninh và giao thông công cộng sử dụng trí tuệ nhân tạo”, gọi tắt là VLTriS (Smart Surveillance Solution for Vĩnh Long). Hệ thống sử dụng dữ liệu hình ảnh camera hiện có của khu phố và camera giao thông để phân tích thời gian thực, giải quyết các bài toán hiện hữu về giao thông và an ninh tại địa phương.

Hệ thống bao gồm các chức năng chính như: 
- Phân tích đối tượng giám sát giao thông và an ninh: 1) Người đi bộ; 2) Xe 02 bánh; 3) Xe con 04 bánh (cars); 4) Xe lớn (trucks, bus); 5) Xe tải nặng (container, chuyên dụng);
- Phát hiện tự động sự kiện đám đông tại từng camera thời gian thực;
- Phát hiện tự động sự kiện ùn tắc giao thông;
- Phát hiện tự động sự kiện đám cháy; 
- Phát hiện tự động bỏ rác không đúng nơi qui định;
- Phát hiện tự động tai nạn giao thông;
- Nhận diện bản số xe tự động;
- Nhận diện khuôn mặt đối tượng;
- Trực quan thông tin thời gian thực trên nền bản đồ số.

Hình: minh họa thực tế Hệ thống VLTriS – giám sát xe
Hệ thống đã được triển khai từ đầu tháng 5/2019. Qua hơn hai tháng thử nghiệm, VLTriS vận hành ổn định 7/24 và khả năng chịu tải của VLTriS cao. Kết quả ứng dụng đã đáp ứng tốt mục tiêu nghiệp vụ đề ra ngay từ ban đầu của Ban chỉ huy Công an Phường 1 thành phố Vĩnh Long. Đây là kết quả khởi đầu thành công, giúp Công an Phường 1 nói riêng, thành phố Vĩnh Long nói chung ứng dụng công nghệ AI quản lý tốt tình hình an ninh trật tự và giao thông tại địa phương cũng như định hướng thành phố thông minh trong tương lai gần.
Hình: minh họa thực tế Hệ thống VLTriS – Trực quan thông tin thời gian thực trên nền bản đồ số.

Phần tổng kết Hội thảo, khi nhận định về tương lai của “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Đô thị thông minh” khi ứng dụng tại địa phương, PGS TS. Thoại Nam – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Điện toán chia sẻ rằng: 

“Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh; đồng thời Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến 88%; trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Vì vậy, CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh và thúc đẩy các nền sản xuất công nghiệp đạt hiệu suất cao với chất lượng sản phẩm tốt và giá thành hạ, đồng thời có tác động trực tiếp đến các lĩnh vực dịch vụ và lưu thông hàng hóa cũng như có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các nước. Từ quốc gia đến cấp địa phương và từng doanh nghiệp đang phải đối mặt với CMCN 4.0 nên từng đơn vị cần có giải pháp hợp lý để biến nguy cơ thành cơ hội.


Hình: Mô hình Kiến trúc ICT cho Đô thị thông minh.
Song song đó, CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số gồm có vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tối ưu hoá quy trình, phương thức sản xuất thông qua hệ thống sản xuất thực - ảo (Cyber-Physical Systems - CPS), và cùng các công nghệ có sự phát triển vượt bậc như công nghệ in 3D trong chế tạo sản phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ Nano, công nghệ tự động hoá, Robot, … đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Nhà nước, doanh nghiệp và đại học cần nhận diện sớm để hình thành tư duy mới và có kế hoạch hành động cụ thể trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới trong một số lĩnh vực thế mạnh của địa phương để tạo lợi thế cạnh tranh.

Tôi tin tưởng rằng kỹ thuật công nghệ tiến tiến trong CMCN 4.0 đang được ứng dụng xây dựng đô thị thông minh nhằm giải quyết các vấn đề lớn về kinh tế, xã hội và công nghiệp. Chính phủ nên tập trung phát triển hạ tầng cốt lõi để phát triển Công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh gồm: hạ tầng cảm biến, hạ tầng mạng, hạ tầng lưu trữ và tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng dịch vụ và trên đó là các ứng dụng hướng đến người dân, chính phủ và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực địa phương và chính sách thu hút nhân tài rất quan trọng CMCN 4.0. Để giải pháp về Công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh tiến triển thì nhà nước phải là người khởi xướng nhưng phải liên kết với doanh nghiệp và các đại học thì giải pháp mới khả thi và triển khai bền vững”.


Back to Top